Cô gái Khmer làm thuê kiếm tiền học trở thành chủ công ty, giúp người nghèo

Admin Mật Hoa Dừa
Thứ Năm, 06/05/2021

Sáng sớm, ông Thạch Sa Rây (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) đeo chiếc bình, dao bên hông, bắt đầu leo lên cây dừa. Người đàn ông 53 tuổi dùng tay xoa lên hoa dừa. Lực mát xa phải vừa đủ để làm mềm dé hoa cho mật chảy ra. Nhưng nếu làm quá mạnh, dé hoa bị dập, hỏng cũng không thể thu mật. Khi hoa dừa nóng lên, ông bắt đầu gõ lên thân hoa.

Công đoạn này gọi là “mát-xa” cho hoa dừa. Sau hơn 2 phút, ông dùng dao cắt đầu hoa dừa đồng thời lấy chiếc bình rỗng ghé vào. Một dòng nước chảy từ hoa dừa vào chiếc bình. Đó là công đoạn của việc lấy mật hoa dừa tươi.

Công nhân mát xa hoa dừa, trước khi thu mật

Công việc đều đặn diễn ra 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn - thời điểm trời dịu mát bởi nếu thời tiết nóng, mật hoa dừa sẽ bị lên men.

Mỗi bông dừa cho 25 lít mật hoa dừa tươi trong 25 ngày. Mỗi năm việc thu mật hoa dừa tươi từ một cây sẽ cho người dân từ 2-2,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng dừa lấy trái, dù được giá, người dân chỉ có thể thu lại 250 nghìn/cây.

Tuy nhiên tìm ra cách lấy mật hoa dừa tươi lại là một câu chuyện dài…

Nữ thạc sĩ bỏ phố về quê

Thạch Thị Chal Thi (31 tuổi, ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) sinh ra trong gia đình nông dân. Tuổi thơ của chị là những ngày chăn vịt, cấy lúa... trên đồng. Cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Tiểu Cần, bố mẹ chị quanh năm bám trụ trên những cánh đồng nhưng không đủ ăn, cảnh thiếu thốn vẫn bủa vây họ.

Năm 2006, nhiều người dân trong đó có bố mẹ chị Chal Thi chuyển đổi mô hình sử dụng đất từ trồng lúa sang trồng dừa. Nếu như trồng dừa ở đất Bến Tre, người dân có thể thu trái sau 4-5 năm thì ở Trà Vinh, đất không có nhiều phù sa nên sau 7 năm mới có thể thu trái.

Trong 7 năm đó, để có thu nhập, người dân vẫn tiếp tục các công việc làm ruộng, nuôi vịt để kiếm sống.

Đến thời điểm thu hoạch dừa, người dân lại một lần nữa lao đao khi giá dừa rất bấp bênh. Có những năm dừa rớt giá, thương lái không vào mua, người dân bỏ không cả vườn không buồn hái.

Cảnh nghèo khó là động lực để cô gái dân tộc Khmer học tập. Chị là một trong số ít những người ở vùng quê này bước vào giảng đường đại học. Thời gian học tại ĐH Sư phạm TP.HCM, chị vừa học vừa làm. Những ngày lễ Tết hay nghỉ hè, chị không về quê mà ở lại thành phố làm thêm.

Tốt nghiệp đại học, chị tiếp tục theo học Thạc sỹ Công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. Ra trường, Chal Thi làm cho các tập đoàn lớn với mức thu nhập ổn định. Mặc dù làm ở TP.HCM nhưng chị Chal Thi luôn mong ước có ngày được trở về quê hương.

Cuối năm 2017, một cuộc điện thoại của người cha ở Trà Vinh đã làm người phụ nữ Khmer này vô cùng buồn bã.

Cha của chị Chal Thi có 2ha với 700 gốc dừa nhưng năm nay dừa rớt giá, thương lái không muốn mua. Dừa rụng lộp bộp xuống gốc không ai buồn thu hoạch.

Là người con sinh ra ở vựa dừa lớn thứ 2 cả nước, chị Chal Thi có tình yêu đặc biệt với loài cây này. Việc người dân thất thu sau khi đổ bao công sức cho vườn dừa đã khiến chị suy nghĩ nhiều. Từ Sài Gòn về quê, chị bắt tay tìm cách nâng cao giá trị cây dừa.

“Nếu tôi làm sản phẩm từ trái dừa, giá trị cây dừa sẽ không tăng được và cũng không cạnh tranh nổi với các tập đoàn lớn. Tôi nghĩ mình phải nghiên cứu ra một sản phẩm mới và khác biệt”.

Chị Chal Thi

Chị Chal Thi

Ngồi trước máy tính, chị gõ Coconut sugar (đường hoa dừa), những hình ảnh quảng cáo các sản phẩm về đường và mật từ hoa dừa của một công ty ở Philippines đã làm chị chú ý. “Làm gì có mật hoa dừa?”, đó là suy nghĩ đầu tiên của chị Chal Thi. Nhưng nó lại thôi thúc chị bắt đầu tìm hiểu về cụm từ “mật hoa dừa”.

Từ đó, chị Chal Thi mới biết, mật hoa dừa đã được sản xuất từ lâu ở các nước như Thái Lan, Philippines… Mật hoa dừa có vị ngọt thanh, thơm mùi hoa dừa, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, người bị tiểu đường. Không những vậy, mật này còn giàu chất khoáng, dinh dưỡng.

“Mật hoa dừa giàu khoáng chất gấp 10 lần so với nước dừa, chứa sắt, chất xơ, protein… Nó là đường từ hoa không qua tinh luyện và hoàn toàn nguyên chất”, chị nói.

Trà Vinh là vựa dừa lớn thứ 2 của cả nước

Chị Chal Thi xem các video trên mạng để tìm cách lấy mật hoa dừa tươi. Dù cắt hoa dừa như trong video nhưng chị không hề thu được giọt mật nào.

Trong suốt 6 tháng trời mày mò, số mật cô gái Trà Vinh thu được vẫn là con số 0. “Không chỉ vậy, ý tưởng của tôi gặp rất nhiều lời dị nghị vì ai trồng dừa lại đi cắt hoa lấy nước? Nhiều người nói tôi học nhiều quá nên khùng”, chị kể.

Mệt mỏi và buồn nhưng người phụ nữ này không bỏ cuộc. Sau này, chị Chal Thi phát hiện ra, muốn thu được mật phải “mát xa” cho hoa dừa.

“Nhờ bí quyết này, tôi thu được nửa lít mật đầu tiên sau nửa năm trắng tay. Tôi bật khóc vì quá vui mừng, cả đêm không ngủ nổi”, chị nhớ lại.

Sản phẩm từ vựa dừa quê vươn ra quốc tế

Thu được mật hoa dừa tươi, chị Chal Thi lại bắt tay vào nghiên cứu các công đoạn chế biến thành phẩm, bảo quản.

Làm việc liên tục từ 8h sáng đến 12h đêm, hàng trăm mẻ thất bại phải đổ đi, cuối cùng mật hoa dừa cô đặc nguyên chất 100%, không chất bảo quản cũng được ra lò. Ngoài ra, chị còn có sản phẩm đường hoa dừa, mứt, siro từ mật hoa dừa…

Cô đặc tạo ra mật hoa dừa thành phẩm

Chị đăng ký thương hiệu và cùng chồng mở xưởng sản xuất. Hiện, công ty của chị có hơn 20 người làm việc, trong đó có ông Thạch Sa Rây. Ông chia sẻ: “Tôi hạnh phúc với việc lấy mật dừa bởi đây công việc không quá nặng nhọc, không phải lo nắng mưa khi làm việc dưới tán lá dừa”.

Họ có 4 ha đất trồng dừa nguyên liệu. Các cây dừa lấy mật có độ tuổi từ 5 đến 15 năm bởi tuổi này dừa vừa độ cao để công nhân có thể leo lên thu hoạch mật.

Chị Chal Thi cũng đang trồng thử nghiệm giống dừa chuyên thu mật, nếu đạt năng suất tốt nó sẽ được nhân rộng.

Tháng 9/2019, vợ chồng chị Chal Thi bán những chai mật hoa dừa đầu tiên ra thị trường sau 1 năm 9 tháng tìm tòi, nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.

Tìm ra loại mật này, chị Chal Thi đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều bà con

Đến nay, mỗi tháng gia đình chị nhập vào 12 tấn mật tươi, cho ra 1,5 tấn mật thành phẩm. Doanh thu mỗi tháng 500 triệu.

Chị Chal Thi chia sẻ, cây dừa có khả năng chống hạn mặn miền Tây và sức sống mãnh liệt. Ngành thu mật dừa cũng tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, mật hoa dừa tươi là sản phẩm sạch, có thể thay thế cho đường tinh luyện.

“Khó khăn nhất với chúng tôi là mở rộng thị trường. Bởi nhiều người chưa biết đến loại mật dừa này. Tuy nhiên hiện sản phẩm này đã có mặt tại Hà Nội, Sài Gòn… và được bán trên trang thương mại điện tử quốc tế của Mỹ”, chị nói thêm.

Nhưng điều khiến chị Chal Thi hạnh phúc nhất là không chỉ giúp chính mình, chị còn giúp được cộng đồng.

Chị liên kết với 10 hộ dân quanh vùng để lấy mật dừa bằng cách hướng dẫn, chuyển giao công nghệ thu mật cho họ. Ngoài ra, chị tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng.

“Tôi rất hạnh phúc khi trở thành người truyền cảm hứng cho những người phụ nữ muốn khởi nghiệp.

Tôi biết, phụ nữ ở các vùng quê phải chịu nhiều thiệt thòi. Không ít người phải nghỉ việc, chăm lo cho con cái, gia đình vì vậy họ phải sống phụ thuộc. Tôi mong, họ có thể tự lực cánh sinh vừa lo cho gia đình vừa có thu nhập để nuôi bản thân và thực hiện điều mình đam mê”, chị nói.

Nguồn tin : báo vietnamnet.vn 

Viết bình luận của bạn