Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2020: Mật hoa dừa Sokfarm đạt giải Nhất

Admin Mật Hoa Dừa
Thứ Năm, 06/05/2021

 

Mật hoa dừa Sokfarm được đánh giá cao bởi các giá trị mang lại cho đồng bào người Khmer tại Trà Vinh, vượt qua 29 dự án tại vòng chung kết giành giải Nhất.

Sau 5 tháng triển khai tổ chức, đến ngày 14/11, Ban tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020 chọn ra được các dự án xuất sắc nhất và trao giải thưởng. Trong đó, có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích; ngoài ra có 5 dự án được giải thưởng Hỗ trợ thiết bị nông nghiệp – Nâng cao năng lực sản xuất; 3 dự án nhận giải thưởng Dự án thực hiện theo tiêu chuẩn LocalGAAP; hai dự án nhận được giải thưởng Dự án nông nghiệp phát triển bền vững.

Dự án Mật hoa dừa Sokfarm của vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi (Trà Vinh) xuất sắc giành giải Nhất với giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt.

Theo Ban tổ chức, Đình Ngãi và Chal Thi đã biết cách để nâng cao giá trị cho mật hoa dừa, một sản phẩm truyền thống của đồng bào thiểu số người Khmer khu vực Đông bằng sông Cửu Long. Loại mật hoa dừa có vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Mật tiết ra từ hoa dừa được cô đặc thành mật, đường và nhiều sản phẩm khác… , giúp tăng giá trị kinh tế.

Hai giải Nhì trao cho dự án Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên của Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) và Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang của Sùng Mí Phìn (Hà Giang). Ảnh: Trần Quỳnh.

“Không chỉ đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, vợ chồng Ngãi và Chal Thi còn đầu tư các công nghệ, máy móc để sản xuất như máy thanh trùng, máy ngào, máy làm nguội, đóng gói theo tiêu chuẩn một chiều… Qua đó, đảm bảo chất lượng tốt nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, nhà xưởng được xây dựng và hoạt động theo chuẩn HACCAP, sản phẩm đạt chứng nhận ISO 22000 – 2018, được cấp chứng nhận FDA Hoa Kỳ để xuất khẩu sang Mỹ. Từ những yếu tố này, việc dự án mật hoa dừa của Đình Ngãi – Chal Thi đoạt giải Nhất hoàn toàn xứng đáng”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, giám đốc BSA cho biết.

Hai giải Nhì trao cho dự án Mắm Gò Công và giá trị thực phẩm lên men tự nhiên của Lê Ngọc Thảo (Tiền Giang) và Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang của Sùng Mí Phìn (Hà Giang) với giá trị giải thưởng 30 triệu đồng/dự án.

Ngoài ra, dự án Dịch vụ du lịch bền vững tại Hà Giang của Sùng Mí Phìn còn được nhận thêm giải thưởng “Dự án phát triển vì cộng đồng” - giải thưởng này dành cho chủ dự án xuất sắc thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, trị giá 15 triệu đồng.

3 giải Ba cho các dự án là Gối thảo dược người Dao của Lý Thị Quyên, Dự án chăn nuôi và chế biến gà vi sinh của Ngô Thị Thanh Tâm (cùng tỉnh Bắc Kạn) và Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây Tam thất trồng ở Simacai của Giàng Seo Châu (Lào Cai). Mỗi dự án nhận 15 triệu đồng tiền mặt.

Giải khuyến khích thuộc về ba dự án là Mật thốt nốt Palmania (Châu Ngọc Dịu – An Giang), Phát triển cây gia vị Bạc hà & các sản phẩm chế biến từ Bạc hà (nhóm Bùi Thị Duyên – Thái Bình) và Túi biết thở – Bao bì bảo quản thực phẩm của Trần Thị Diễm My (TP.HCM). Mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.

Nhóm giải thưởng Hỗ trợ thiết bị nông nghiệp – Nâng cao năng lực sản xuất, mỗi dự án nhận 10 triệu đồng, được trao cho Dương Thị Hồng Chuyên (Đồng Tháp) với dự án Sản phẩm tiện lợi từ “Khô cá”; Pơ Lang – Sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi và thảo dược Đắk Lắk của Phạm Thị Thu Hằng (Đắk Lắk); Sản xuất bún gấc của Trần Đình Lượng (Đắk Nông); Dự án trà sâm dây Ngọc Linh của Lê Thị Thanh Lịch (Kon Tum) và Thiết kế mô hình hệ thống giàn phơi đồ Arudnio điều khiển bằng điện thoại của Lê Sơn Thanh (Tiền Giang). Mỗi dự án nhận được phần thưởng tiền mặt 10 triệu đồng.

3 dự án Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ cây Tam thất trồng ở Simacai của Giàng Seo Châu (Lào Cai); Xây dựng nông trại dứa sạch gắn với phát triển du lịch tạo sinh kế cho thanh niên nông thôn vùng núi Quỳnh Lưu, Nghệ An của Nguyễn Văn Hạnh và Bánh phồng khoai lang của Nguyễn Thanh Việt (Vĩnh Long) nhận giải thưởng dự án thực hiện theo tiêu chuẩn LocalGAAP. Mỗi dự án nhận được phần thưởng 20 triệu đồng.

Cuối cùng, hai dự án nhận được giải thưởng Dự án nông nghiệp phát triển bền vững là Dự án Túi biết thở – Bao bì bảo quản thực phẩm của Trần Thị Diễm My (TP.HCM) và Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ, Như Xuân của Lê Thị Ngọc Linh (Thanh Hóa). Mỗi dự án nhận 30 triệu đồng tiền mặt và 20 triệu đồng hỗ trợ tham gia hội chợ Quốc tế ThaiFex 2021.

Ngoài các phần thưởng là tiền mặt, chi phí hỗ trợ tham gia các hoạt động thương mại hoá sản phẩm, các dự án đạt giải còn được tham gia các khóa tập huấn do Trung tâm BSA và TW Đoàn tổ chức.

Bên cạnh đó, Dự án đoạt giải Nhất còn được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của TW Đoàn với mức vay 1 tỷ đồng. Hai dự án đoạt giải Nhì được hỗ trợ mức vay 500 triệu đồng từ nguồn quỹ này. Ba giải Ba được Quỹ quốc gia về việc làm của TW Đoàn hỗ trợ với mức vay 300 triệu đồng/dự án. Giải khuyến khích có mức vay ưu đãi 150 triệu đồng/dự án.

Theo báo : nongnghiep.vn

Viết bình luận của bạn